SỎI THẬN LÀ GÌ
Trong gia đình anh chị có cái máy lọc nước, thì trong cơ thể tương ứng có quả thận. Thận có chức năng lọc các chất thải từ máu và sản xuất nước tiểu.Các anh chị lấy cốc nước, bỏ 1 muỗng đường vào khuấy lên – 5s sau tan hết, giờ bỏ thêm 10 muỗng đường vào khuấy tiếp thì 5 giờ sau cũng không tan hết, ở nhiệt độ bình thường nếu muốn tan hết số đường trên thì phải cho thêm nước. Đúng không ạ?
Tương tự như vậy, nếu cơ thể không đủ nước thì các chất lẽ ra phải được đào thải đã không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể và lâu dần thành sỏi. Tuy rằng, cơ thể con người cũng có chứa các chất (citrát, manhê, pyrô phốtphat ) chống lại việc lắng cặn thành sỏi, tuy nhiên sức ta thì có hạn, quân địch (canxi, oxalat, axít uríc) thì ngày càng đông nên địch đã thất bại trong việc ngăn cản quân ta rút lui.
“Sỏi” của từng người có cấu tạo khác nhau, ai thừa canxi thì sỏi nhiều canxi, ai thừa axít uríc thì sỏi nhiều axít uríc, một số loại sỏi khác do viêm nhiễm và di truyền mà thành.
Có một điều thú vị rằng bọn sỏi nhỏ li ti thường có thể đi ra khỏi cơ thể nhẹ nhàng và thoải mái. Ngược lại, khi bọn sỏi lớn hoặc tuy nhỏ nhưng gồ ghề có khả năng bị kẹt lại trong thận hay niệu quản gây đau, tắt đái, tia nước đái chảy ra như cà phê phin dù rằng khổ chủ gồng tím mặt, lâu dần sẽ nhiễm trùng tiểu, suy thận...
Viên sỏi hình thành thường kẹt ở chỗ hẹp, các ống quanh co, uốn khúc, dòng tiểu yếu không làm “bắn” sỏi ra được. Anh chị nhặt viên sỏi nhọn trên đường, cào mạnh vào da sẽ bị trầy da, chảy máu thì sỏi trong cơ thể cũng thế, sỏi sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đái ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản.
Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó. Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước – hết xài được.
CÁC TRIỆU CHỨNG BỆNH SỎI THẬN
Phần lớn sỏi thận không có triệu chứng cụ thể, tuy nhiên có thể liệt kê sơ sơ để anh chị tự vạch ra mà bói: Đau sườn, lưng, buồn nôn – nôn, đi tiểu lắt nhắt, tiểu đau buốt, đau tinh hoàn, đau háng, sốt không rõ nguyên nhân và màu nước tiểu không vàng nhạt như bình thường... nếu các triệu chứng này ghé thăm liên tục thì có nghĩa thận của anh chị cần thăm khám và điều trị càng sớm càng đỡ đau.CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH SỎI THẬN
Phòng ngừa sỏi thận được áp dụng cho các loại sỏi thông thường chứ không phải cứ làm đúng các biện pháp phòng ngừa là auto thoát sỏi, sau đây là một số các giải pháp:Đầu tiên phải uống đủ nước sạch (nước bẩn là một trong những nguy cơ), đừng uống quá nhiều nước uống có ga, khi bị nhiễm trùng niệu thì phải khám bệnh và điều trị đúng phác đồ để tránh nguy cơ hình thành sỏi do nhiễm trùng niệu. Không tự ý sử dụng quá nhiều Vitamine, nhất là Vitamine C, D (có dịp tôi sẽ biên về chuyên đề Vitamine). Đừng ăn quá mặn, quá nhiều đạm, thực phẩm chứa nhiều oxalat (mời google cho rõ),hạn chế bia rượu và chất kích thích. Tăng cường thể dục nhẹ nhàng và từ nhẹ đến nặng, đừng tự dưng 10 năm không vận động hôm nay xách giày chạy bền 7km đường rừng - giời đánh chết đấy.
Các anh chị đọc trên mạng hay có lời khuyên một người uống 2,5 lít nước mỗi ngày, thât ra nhu cầu khác nhau nên có nhiều hơn số ấy cũng không có gì phải thanh động, các anh chị cứ uống khi thích uống, đừng để quá khát, chia nhỏ lượng nước mỗi lần uống trong ngày sẽ tốt hơn. Mắc đái thì nên đi đái ngay, đừng tiếc trận bóng đá hay bộ phim đang hay mà nín – như vậy là ích kỷ với sinh mệnh của mình.
KHI BỊ SỎI THẬN NÊN LÀM THẾ NÀO
Khi đã bị mắc sỏi thận, tùy vào thành phần sỏi mà thầy thuốc sẽ có chỉ định điều trị, nếu thuận lợi thì uống thuốc sẽ hết, các nhóm thuốc sẽ có tác dụng bào mòn, tan sỏi, tống sỏi; thuốc có tác dụng hạn chế tạo thành sỏi và kháng sinh khi có viêm nhiễm. Việc điều trị nội khoa trong bệnh sỏi tiết niệu cần được tiến hành sớm, kịp thời, hiệu quả và theo dõi định kỳ tốt để tránh chuyển đến suy thận mạn vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của quý anh chị đối với các y bác sĩ – chứ để sỏi to, biến chứng, lết không nổi mới mò đến bệnh viện thì lúc này việc điều trị sẽ đau đớn và tốn kém hơn nhiều.Với những sỏi có kích thước lớn hoặc đã có biến chứng thì thường áp dụng tán hoặc mổ lấy sỏi. Tán sỏi có nhiều hình thức như tán qua da, tán nội soi ngược dòng, tán ngoài cơ thể... Phẩu thuật thì nội soi hoặc mổ hở.
Bệnh nhân sau điều trị vẫn có nguy cơ tái phát vì cơ chế hình thành nó không quan tâm đến việc anh chị đã điều trị kiểu gì, ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý thì sỏi tiết niệu vẫn ghé thăm như vẫn vì vậy không được chủ quan, mỗi lần điều trị là mỗi lần mệt mỏi.
Đông y cho rằng, thận giống như là nơi dự trữ năng lượng sống của con người, nếu năng lượng dồi dào, sử dụng tiết kiệm, thì sẽ dùng được lâu dài. Anh Ba nói không ngoa rằng Thận khỏe đến đâu, mệnh dài đến đấy.
❤Vui lòng trích nguồn Facebook Nguyen Khanh (Anh Ba Sài Gòn) nếu bê bài đi nơi khác❤️
-Mời anh chị like page Anh Ba Sài Gòn này và follow thêm Facebook Nguyen Khanh của tôi để đọc bài-