MIẾN ĐIỆN: QUÁ KHỨ VÀNG SON, TƯƠNG LAI MỜ MỊT
========================================Tôi nhớ quãng 20 năm trước, khi nghe nói tới Myanmar là 1 trong 10 nước Asean, ông ngoại tôi từng hỏi: Là cái nước nào vậy? Khi được trả lời là Miến Điện (tên cũ) thì ông à ngay. Đa phần người lớn tuổi ở Việt Nam, nhất là người già ở miền nam từ trước 1975 đều không xa lạ gì với cái tên Miến Điện, người Miến Điện trước 1975 ở Sài Gòn là một trong các xứ “Chà Và” – tức là dân Nam Á theo quan niệm của dân VN xưa. Người Miến Điện ở Sài Gòn xưa có hai nghề là buôn vải và làm tạp dịch cho các ông chủ người Ấn, sau 1975, phần lớn họ di cư sang Singapore hoặc hồi cố quốc. Về cái tên Miến Điện, người Việt Nam gọi như thế là do phiên âm Hán Việt từ tiếng Trung, “Miến” nghĩa là xa tít tắp, “Điện” nghĩa là vùng xa trung tâm thành thị, theo quan niệm của người Hoa xưa thì thành là vùng trung tâm thành phố, vùng ngoại ô gọi là quách, ngoài quách gọi là giao, ngoài giao nữa thì là điện. Miến Điện tức là vùng xa tít tắp, tương đương với cụm từ far far away bên tiếng Anh.
Cái tên Myanmar được đổi từ năm 1989, tuy nhiên nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Nhật và một bộ phận người Miến Điện chính gốc vẫn dùng cái tên cũ là Burma. Trong những ngày gần đây, Myanmar hay Miến Điện đang trở thành từ khóa hot với truyền thông quốc tế vì cuộc đảo chính ngày 1/2. Với một chút hiểu biết, cộng thêm ấn tượng sâu sắc vì cách đây 3 năm từng trải qua chuyến du lịch 10 ngày ở đất nước Vạn Ngôi Chùa - rất mực thanh bình này, tui muốn dẫn các bạn điểm qua lịch sử huy hoàng của Myanmar từ thuở lập quốc đến khi bị bóng đen bao phủ suốt 60 năm.
I. SỰ HÌNH THÀNH VÀ HÙNG CƯỜNG CỦA MIẾN ĐIỆN MYANMAR
Miến Điện có thành phần dân cư đa sắc tộc: người Miến, nhóm dân cư chiếm đa số ở Miến Điện vào khoảng 68% dân số, ngoài ra còn có người Môn từ Thái – Lào, người Pyu, người Shan từ Vân Nam Trung Quốc di cư sang và tầm 90 sắc dân nữa mà tôi cũng không thuộc hết. Trước thế kỷ thứ 10, Miến Điện bị chia thành các tiểu quốc được cai trị bởi các sắc dân riêng biệt. Vào thế kỷ thứ 9, những người Miến di cư từ Nam Chiếu đã lập ra vương triều Pagan, trong 100 năm tiếp theo, vương quốc này liên tục bành trướng, tiến xuống miền nam chinh phục các vương quốc của người Môn, phía tây bành trướng tới tận đông Bangladesh, phía đông đến tận sông Mê Nam (Chao Phraya) của Thái ngày nay. Sự bành trướng của vương triều Pagan bắt đầu bị chận lại vào đầu thế kỷ 13, quân Mông Cổ sau khi diệt quốc Nam Chiếu – cố hương của người Miến bắt đầu xâm lược Miến Điện.
Năm 1273, sứ giả Nguyên Mông lá Khất Giác Thoát Nhân đến chiêu phục Miến Điện với thái độ ngạo mạn và bị Vua Miến Điện Naratgugapate từ chối quy phục. Tháng 3-1277, quân Nguyên từ Vân Nam, Trung Quốc do tướng Hốt Đô dẫn đầu tiến vào lãnh thổ Miến Điện. Các cuộc xung đột ác liệt ở khu vực biên giới diễn ra khiến quân đội hai bên đều bị thiệt hại nặng. Quân Nguyên buộc phải rút lui.
Lần thứ hai là năm 1282, Nguyên chủ Hốt Tất Liệu cử đoàn sứ giả 10 người cùng đoàn hộ tống hùng hậu đến kinh đô Bagan đòi triều đình Miến Điện cống nạp. Vì quá ngạo mạn, cả đoàn sứ thàn nhà Nguyên bị vua Miến Điện Naratgugapate ra lệnh giết hết. Sự kiện này khiến Hốt Tất Liệt nổi giận, quyết tâm báo thù. Mùa thu năm 1283, Hốt Tất Liệu đều một đạo quân lớn từ Vân Nam, do tướng Tương Ngô Hợp Nhi chỉ huy, tiến sang trừng phạt Miến Điện. Chiến sự diến ra quyết liệt ở phòng tuyến sông Bhamo, phía Bắc Miến Điện. Trước sự tấn công ồ ạt của quân Nguyên, quân Miến Điện phải rút lui, nội bộ hoàng cung Miến Điện bất hòa chia rẽ. Quân Nguyên tiến sát đến kinh đô Bagan. Năm 1287, vương triều Miến Điện không thể đứng vững trước sự tấn công ồ ạt của quân Nguyên Mông. Bagan thất thủ, đế quốc Miến Điện lần thứ nhất bị diệt vong. Triều đình Nguyên Mông tuyên bố vùng lãnh thổ phía Bắc và miền Trung của Miến Điện là hai tỉnh của đế quốc Nguyên Mông trên đất Miến Điện. Các vị vua người Miến tiếp theo đều cam chịu làm chư hầu của triều đình nhà Nguyên ở Bắc Kinh.
Sau khi tàn phá Bagan, quân Nguyên Mông rút về phía Bắc Miến Điện, đất nước Miến Điện rơi vào thời kỳ hỗn loạn. Mười năm sau, năm 1297, “ba anh em người Shan” do Axamkhaya làm thủ lĩnh, nổi lên tập hợp dân chúng khỏi nghĩa, kiểm soát miền trung Miến Điện chống lại sự đô hộ của quân Nguyên Mông. Lực lượng khởi nghĩa của “ba anh em người Shan” không ngừng lớn mạnh, đã đánh đuổi quân Nguyên đến ngần biên giới Vân Nam. Đến đầu năm 1301, triều đình Nguyên cử tướng Mang Ngột Đô Lỗ Mê Thất dẫn 12.000 quân sang Miến Điện dẹp loạn, nhưng bị quân Miến Điện do Axamkhaya lãnh đạo chống trả quyết liệt, quân Nguyên Mông bị thương vong nhiều vì chiến tranh và bệnh tật. Tháng 3-1301, Mang Ngột Đô Lỗ Mễ Thất buộc phải xin hòa để rút quân về Trung Quốc, chấm dứt cuộc chiến tranh Miến – Nguyên. Sau khi thất bại trở về nước, các tướng Nguyên Mông bị Hốt Tất Liệt trừng trị với nhiều hình phạt khác nhau, kể cả tử hình.
Ba thế kỷ tiếp theo là thời kỳ Miến Điện rơi vào tình trạng phân tranh bất hòa, chia rẽ. Tranh thủ thời cơ sụp đỗ của đế chế Bagan , người Môn di chuyển xuống miền Nam và tự lập ra vương quốc Hanthawady vào năm 1472. Vương triều này tiêp tục làm sống lại đạo Phật với việc xây dựng các chùa tháp ở kinh đô và mở rộng xây dựng chùa Shwe Dagon ở Yangon. Trong khi đó, ở phía bắc người Shan cũng tách ra và thành lập quốc gia riêng của họ là Inwa năm 1364. Người Rakhine gốc Ấn cũng lập quốc gia riêng của mình tại vùng phía tây Miến Điện. Những người Miến còn lại rút về Tangoo phía đông bên bờ sông Sittang chờ đợi cơ hội tái thống nhất Miến Điện. Đến đầu thế kỷ XVI, trên lãnh thổ Miến Điện hình thành bốn trung tâm quyền lực của 4 sắc dân khác nhau. Đến thế kỷ XVI, vương triều Toungoo của người Miến bắt đầu tiến hành chiến tranh tái thống nhất đất nước. Năm 1541, lợi dụng những cuộc chiến liên miên giữa người Shan và người Mon đã làm hai phe này suy yếu vua Tabinshwehti đã tấn công chiếm đóng Inwa – kinh đô của người Shan. Sau đó, đánh tiếp xuống phía nam, bắt vua người Môn và dời đô về Bago. Tháng 10-1548, Vua Tabinshwehti chỉ huy chiến dịch tấn công Ayutthaya (Thái Lan ngày nay) giành lại giải đất cực nam như trên bản đồ Myanmar ngày nay. Năm 1550, Vua Tabinshwehti chết, người Mon và người Shan rục rịch nổi dậy, vương quốc Toungoo đứng trước nguy cơ tan rã.
Thế nhưng ngay sau đó Bayinnaung, em rể của vua Tabinshwehti đã lên kế vị và tiếp tục sự nghiệp dang dở của ông anh. Chỉ trong hai năm, Vua Bayinnaung đã đoạt lại các vùng đất bị cát cứ rồi tấn công lên phía bắc, sang phía tây, phía đông, chiếm lại Inwa, chinh phục các quốc gia của người Shan ở phía bắc. Năm 1557, giành lại giải đất Taninthayi từ tay người Thái. Uy danh của Vương quốc Toungoo chấn động các nước láng giềng. Năm 1563, Vua Bayinnaung trực tiếp đưa quân vượt sông Xittaung tấn công Thái Lan. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội của Bayinnaung đáng chiếm Chiang Mai và chiếm được kinh đô Ayuthaya của người Thái, bắt sống Vua Agiyuthagia cùng toàn bộ triều đình Thái và nhiều tù binh, thợ thủ công, vàng bạc,.. đưa về Miến Điện. Năm 1567, Vua Thái Lan Ayutthaya trốn được về nước, sau đó phát động dân chúng Thái khởi nghĩa chống lại sự cai trị của người Miến. Vua Baynnaung tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ hai sang Thái, chỉ trong 10 tháng lại chinh phục được Thái.
Năm 1569, quân Miến tiến sang Lào nhưng bị thất bại. Năm năm sau (1574), Vua Bayinnaung mở rộng cuộc xâm chiếm lần thứ hai và chinh phục được Lào. Từ đó, một đế quốc rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á được hình thành. Bayinnaung tự xưng là “vua của các vua”. Miến Điện bước vào thời kỳ rực rỡ lần thứ hai. Các quốc gia khác ở vùng Miến Điện – Trung Quốc và vùng Manipur (nay thuộc Ấn Độ), đều phải triều cống vua Miến Điện. Sau khi vua Bayinnaung chết 1581, các vương triều sau không đủ sức để duy trì quyền lực và bảo vệ lãnh thổ. Những cuộc chiến giữa các sắc tộc lại nổi lên. Năm 1636, kinh đô của người Miến buộc phải chuyển về Inwa trước các cuộc tấn công của người Môn, đế chế thứ hai của Miến Điện dần dần tan rã. Năm 1752, được sự giúp sức của người Pháp, người Môn đã chiếm được kinh đô Inwa và cố sức kiểm soát toàn bộ Miến Điện. Tuy nhiên, người Miến không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Aung Giaeya – một quan võ tài ba người Miến lại cầm quân đánh đuổi người Môn. Một năm sau, năm 1753, ông giành lại được Inwa và xưng vua, lấy hiệu là Alaungpaya – nghĩa là “Phật tương lai”, đặt hoàng cung ở Shwebo. Hoàng thành gọi là Konbaung về sau là tên của triều đại mới. Tàn quân người Môn chạy sang Thái nương nhờ rồi mượn binh tấn công trở lại Miến Điện. Năm 1760, Vua Alaungpaya quyết định trị tiệt nọc bọn Thái: Ông đã tiến hành chinh phạt thu hồi dải đất Taninthayi rồi tiến công vây kinh đô Ayutthaya. Chiến sự đang ác liệt thì vua Alaungpaya bị thương nặng, phải rút quân và qua đời trên đường trở về, thọ 46 tuổi. Sau khi về đến Yangon, cái chết của vua Alaungpaya mới được công bố.
Hsinbyushin – con trai Vua Alaungpaya – được mệnh danh là “Bạch tượng vương”, tiếp tục sự nghiệp của cha. Từ năm 1760 đến 1763 liên tiếp tiến hành các cuộc chinh phạt, mở mang bờ cõi. Năm 1767, Vua Hsinbyushin đã đánh bại người Thái, đốt trụi kinh thành Ayutthaya, buộc người Thái sau đó phải chuyển kinh đô về Bangkok. Chiến thắng này dã mang về cho Miến Điện nhiều vũ công và vô số tù binh người Thái để phục vụ cho công cuộc chấn hưng Miến Điện. Nhiều nghệ sĩ Thái sau đó đã công hiến tài năng, góp phần phục hưng nền văn học, nghề thuật Miến Điện. Nhiều cung điện, chùa chiền ở Myanmar còn tồn tại đến ngày nay là được xây dựng trong thời kỳ này. Và Thái lẽ ra đã là một phần của Miến Điện nếu như sau đó không có cuộc chiến tranh Thanh – Miến, buộc Miến Điện phải rút quân ở Thái về chống giữ.
II. CHIẾN TRANH THANH - MIẾN
Nhà Thanh từ những năm 1730s bắt đầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ vùng Vân Nam giáp giới với Miến Điện. Bằng nhiều biện pháp, vừa đe dọa, vừa mua chuộc, các tù trưởng người Shan dần ngả về phía Thanh triều. Đến những năm 1758 – 1759, đế quốc Konbaung dần trở nên lớn mạnh, đã đưa quân đội lên phía bắc, tái lập sự kiểm soát của Miến Điện với vùng biên giới này. Các thủ lãnh người Shan cầu cứu quan lại Vân Nam, Vân Nam lại tấu trình lên Càn Long. Năm 1759, Càn Long xuống chiếu thảo phạt Miến Điện nhưng chỉ dừng lại ở mức tài trợ cho các thủ lĩnh người Shan. Năm 1764, Ayutthaya cũng bị người Miến chiếm mất, thổ binh Shan không thể chống nổi, nhà Thanh tăng viện cho Vân Nam 5000 quân Lục Doanh (quân Hán). Liên quân Shan – Thanh tiến vào đất Miến nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi đến tận Phổ Nhĩ nằm trong địa phận Vân Nam. Chỉ huy quân Thanh Lưu Tào sau đó treo cổ tự sát, việc này làm Càn Long nổi giận, quyết tâm đánh Miến Điện để “giữ thể diện quốc gia”. Càn Long gọi Dương Ứng Cừ, một võ tướng dày dạn kinh nghiệm từng chinh chiến ở biên ải và Lưỡng Quảng về làm chỉ huy chiến dịch lần thứ hai.
Mùa hè năm 1766, 25.000 quân Thanh – Shan vượt biên giới đánh vào miền bắc Miến Điện, chỉ huy quân Miến Điện là tướng Balamindin quyết định nhử quân Thanh đi sâu vào lãnh thổ Miến Điện rồi mới tìm cách tiêu diệt. Tháng 12 năm 1766, sau những thành công bước đầu, quân Thanh bị kẹt lại sâu trong nội địa, tướng Balamindin kiên cường chống trả các cuộc tấn công của quân Thanh, chặn đứng bước tiến của họ, trong khi hai cánh trái, phải và cả phía sau của quân Thanh đều đã bị quân Miến Điện bao vây. Quân Thanh mau chóng rơi vào thế bế tắc, lương thực cạn kiệt và bệnh dịch hoành hành mạnh trong đội quân viễn chinh, sang năm 1767, quân Thanh phải rút về, trên đường bị quân Miến tập kích nhiều đợt mất hết một nửa quân số và để thất thoát nhiều súng ống đạn dược, 8 tù trưởng ở vùng biên giới Vân Nam trở cờ theo về với Miến Điện. Ở Côn Minh, Dương Ứng Cừ phải làm báo cáo láo dối Càn Long rằng dân Miến đã chịu quy phục và xin thông thương, tuy nhiên việc này nhanh chóng vỡ lở, Cừ bị đem về triều và ép phải tự tử sau đó.
Càn Long đã hết sức tức giận trước hai lần thất bại trên, cho rằng nguyên nhân thất bại là do sự yếu kém của quân Hán Lục Doanh, lần thứ ba, Càn long quyết định tất tay: Ông gọi con rể là Minh Thụy về làm Tổng đốc Vân Nam và Quý Châu, Minh Thụy là tướng lão luyện đã có nhiều kinh nghiệm trong bình định Hồi Cương và Y Lê. Càn Long lại điều quân Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ xuống phía nam cho Minh Thụy điều động. Mùa đông năm 1767, quân Thanh vượt qua biên giới, chia hai hướng tấn công vào Miến Điện. Vua Miến khi đó là Hsinbyushin vừa đánh bại người Thái nên có ý xem nhẹ quân Thanh, dù quân Thanh đã vượt biên giới nhưng ông vẫn không cho gọi quân chủ lực đang ở Thái về. Thế nên trong giai đoạn đầu quân Thanh thắng như chẻ tre, với quân số đông gấp đôi quân Miến Điện, cánh quân chủ lực đông bắc của Minh Thụy dễ dàng đánh bật các đạo quân kháng cự của các tướng Maha Sithu và Maha Thira Thura. Đầu năm 1768, quân Thanh của Minh Thụy chỉ còn cách kinh đô Ava của Miến có 30 dặm, vua Hsinbyushin đã phải gọi các đạo quân ở Thái cấp tốc quay về, quần thần xin vua dời đô về phía nam nhưng Hsinbyushin đập bàn tuyên bố:
- Với các chiến binh thiện chiến và các con trai của Alaungpaya ở đây, trẫm sẽ đập thấy mẹ quân xâm lược !
Thế rồi Hsinbyushin dẫn toàn bộ quân đội ra tiền tuyến, và kỳ tích đã xảy ra: Với tinh thần quyết tử, quân Bát kỳ Mãn Châu đã không thể tiến lên thêm một chút nào nữa! – Không những thế, đường tiếp liệu và tiếp tế của quân Thanh bị tàn quân của Miến quấy đảo liên tục, Minh Thụy phải quay sang phòng ngự, chờ đạo binh phía bắc tiến xuống hội binh. Thế nhưng điều này không bao giờ xảy ra: Bị tổn thất nặng sau khi vây hãm cố đô Kaungton mà không hạ được, cánh quân này đã tự ý rời bỏ chiến trường rút về Vân Nam. Mùa xuân năm 1768, các đạo quân Miến từ Thái đã kéo về, quân Miến tống phản công, giết chết 15.000 quân Thanh. Minh Thụy mở đường máu cho một cánh quân nhỏ chạy thoát, cắt bím tóc gửi về cho Càn Long rồi treo cổ tuẫn tiết.
Ba lần xâm chiếm đều thất bại, triều đình Mãn Thanh khuyên Càn Long nên dùng kế sách mềm mỏng mà chiêu dụ Miến Điện, nhưng Càn Long vẫn bất chấp, muốn đánh thêm một trận nữa. Lần này ái tướng Phó Hằng được chọn làm tổng chỉ huy chiến dịch, Phó Hằng là em rể Càn Long, cũng là chú của Minh Thụy, quyết đánh Miến Điện báo thù và gỡ thể diện cho Càn Long. Phó Hằng đến Vân Nam năm 1769, huy động 6 vạn quân tham gia chiến dịch. Quân Thanh dự định chia 3 mũi tiến quân, lần này họ có cả thủy binh hỗ trợ chiến đấu và vận lương, rút kinh nghiệm ba lần trước, Phó Hằng bố trí quân lính bảo vệ tuyến vận lương nghiêm ngặt, tránh xa rừng núi đề phòng bị tập kích quấy rối. Tháng 10 năm 1769, quân Thanh tiến vào Miến Điện, một cánh đánh vào cố đô Kaungton, hai nhánh còn lại men theo hai con sông lớn, thủy bộ tựa vào nhau cùng tiến xuống phía nam. Quân Miến Điện nhanh chóng “đọc vị” được quân Thanh, Maha Thiha Thura cho thủy quân ngược dòng chớp thời cơ đánh bại thủy quân đối phương ngay khi quân bộ chưa kịp đến phối hợp, quân Thanh vì thế phải quay lại cố sức đánh thành Kaungton. Nhưng sau bốn tuần lễ, quân Miến chống trả dũng mãnh phi thường, đẩy lui hết các cuộc xung phong của quân Thanh. Tới đầu tháng 12, các cánh quân Miến Điện đã vây kín đại quân Thanh, nguy cơ thất trận lại hiện ra trước mắt, chỉ huy Phó Hằng cũng bị bệnh nặng, các tướng quân buộc phải xin hàng. Trong nội bộ quân Miến bấy giờ nảy sinh hai luồng ý kiến: Một bên cho rằng quân Thanh đã như cá vào rọ, cứ vây chặt cho chúng chết đói, Một bên đứng đầu là tống chỉ huy Maha Thiha Thura đồng ý cho hòa, sau cùng phe chủ hòa thắng thế vì: “Nước ta không thể cứ mãi đánh nhau với một nước lớn như Đại Thanh được, tận diệt đám quân này của chúng chỉ khiến chúng lại gửi thêm một đội quân nữa sang và chúng ta sẽ phải đánh hết trận này đến trận khác”. Cuối cùng thì hòa ước cũng được ký, để giữ thể diện cho nhà Thanh, Càn Long đơn phương tuyên bố thắng trận, về phía Miến Điện, vua Hsinbyushin cũng nổi giận lôi đình vì đám tướng lĩnh dám tự ý nghị hòa, ông bắt đám tướng lĩnh phải mặc váy đàn bà, phơi nắng ngoài cung điện suốt 3 ngày và tống cút cả đám lên biên giới phía bắc xa xôi…
Dù hòa bình đã được lập lại nhưng cả hai phe Thanh – Miến đều duy trì một số lượng lớn quân đội đồn trú ở biên giới. Càn Long còn hạ lệnh cấm giao thương, buôn bán giữa Vân Nam Quí Châu với phương nam, điều này kéo dài suốt 20 năm, gián tiếp gây ra hai biến động lịch sử to lớn đối với … Xiêm La và An Nam:
- Quân Miến vì phải đề phòng nhà Thanh nên không còn duy trì lực lượng lớn ở Thái nữa, tạo điều kiện cho Taksin (Trình Quốc Anh) tập hợp lực lượng, giải phóng Xiêm khỏi sự thống trị của Miến Điện. Sau đó nhà Chakri lật đổ Taksin và làm vua Thái từ đó cho đến nay (cơ mà tới hiện nay coi mòi đang lung lay tợn...).
- Các thuyền buôn Trung Hoa không xuống phía nam nữa, làm tình hình giao thương của cảng Hội An ở Đàng Trong suy sụp, nền kinh tế Đàng Trong bị khủng hoảng, từ đó bùng nổ khởi nghĩa nông dân mà tiêu biểu là phong trào Tây Sơn.
III. MIẾN ĐIỆN MYANMAR THỜI HIỆN ĐẠI
Từ thế kỷ 17, công ty Đông Ấn của Anh (EIC) đã mở rộng lãnh thổ kiểm soát ở Ấn Độ, Miến Điện được xem như vùng đệm giữa Tây Á và Đông Nam Á. Đến thập niên 20 của thế kỷ 19 vẫn không một cường quốc châu Âu nào khác giành được ảnh hưởng ở Miến Điện. Người Miến cũng mặc kệ những gì người Anh làm ở Ấn Độ. Tuy nhiên, tới năm 1784, Miến Điện xâm chiếm thành công một tiểu quốc là Arakan tiếp giáp với vịnh Bengal và nô dịch người Arakan như nô lệ. Những người tị nạn Arakan đã bỏ chạy qua biên giới Ấn Độ và từ đó tổ chức các cuộc kháng chiến chống lại người Miến. Vua Miến Điện yêu cầu người Anh đưa dân tị nạn trở lại, đồng thời thực hiện những cuộc cướp phá vượt biên giới Ấn Độ. Người Anh mà cụ thể là cty EIC lúc này còn lắng, nên họ đuổi dân Arakan về cố hương như yêu cầu của Miến.
Được nước làm tới, năm 1817, Miến Điện xâm lược Assam ở Đông Bắc Ấn Độ. Vào năm 1822, quân Miến Điện thực tế đã kiểm soát Assam và cũng giống như ở Arakan, người dân và các lực lượng khởi nghĩa ở Assam đã bỏ bản quán đi tỵ nạn. Quân Miến lại vin vào cái cớ đó tiếp tục đột kích, cướp bóc những vùng mà người Anh bảo hộ. Ngày 5/3/1824, Anh chính thức tuyên chiến với Miến Điện. Trận chiến diễn ra trong hai năm, quân Anh - Ấn thiệt hại 15000 quân, quân Miến thiệt hại gấp ba số đó, cả quân đội hùng mạnh của một đế chế bị xóa sổ hoàn toàn. Tuy là phe chiến thắng nhưng chiến phí cho cuộc chiến này làm cho chính quyền Anh ở Ấn Độ gần như phá sản vào năm 1833 (thế mới biết dân Miến chiến đấu sắt máu cỡ nào...), và họ chỉ có thể gỡ lại bằng cuộc chiến tranh thuốc phiện với Trung Quốc vào 6 năm sau đó. Về sau, Anh tiến hành thêm hai cuộc chiến tranh nữa với Miến Điện vào các năm 1852 và 1886. Trong chiến dịch cuối cùng, người Anh bắt được vua Thibaw đem đày sang Ấn Độ, chấm dứt triều Konbaung. Miến Điện bị sáp nhập vào xứ Ấn Độ thuộc Anh, chấm dứt thể chế Miến Điện độc lập vào năm 1886.
Dưới sự cai trị của người Anh, những mâu thuẫn về sắc tộc, địa phương lại càng gay gắt hơn: Người Anh thiết lập cơ chế quản lý giống ở Ấn Độ với các vùng đồng bằng trung tâm, ở miền rừng núi phía bắc, họ cho các thủ lĩnh dân tộc người Môn và người Shan được hưởng các quyền độc lập tương đối. Chưa hết, sự cai trị của người Anh đã tạo ra một tầng lớp thượng lưu gốc Ấn thân Anh, khác biệt với người Miến bản địa. Sau đó còn có thêm người Hoa di cư từ Vân Nam và từ Malaysia sang. Trong thế chiến thứ hai, Nhật hất Anh ra khỏi Miến Điện và sử dụng nơi này như vựa lúa cung cấp lương thực cho các đoàn quân viễn chinh ở Đông Á. Trong thế chiến, người Miến chiến đấu cho cả Đồng Minh lẫn quân Nhật, các lực lượng quân đội của Miến Điện nằm dưới sự chỉ huy của tướng Aung San. Sau chiến tranh, Aung San trở nên rất có uy tín không chỉ với người Miến mà còn với những sắc dân thiểu số như Shan, Chin, Kayin, Kayah, Môn và Rakhine. Năm 1947, sau cuộc tổng tuyển cử, Miến Điện tuyên bố sẽ tách khỏi Liên hiệp Anh và Aung San được bầu làm thủ tướng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày 19/7/1947, một toán vũ trang xông vào phòng họp xả súng bắn chết Aung San và 6 bộ trưởng. Người tổ chức cuộc ám sát là U Saw, vốn ủng hộ đường lối lệ thuộc nước Anh - hy vọng rằng vụ ám sát sẽ thay đổi kết quả tuyển cử nhưng cuối cùng chính người Anh lại kết án và treo cổ U Saw.
Sau năm 1950, tình hình Miến Điện lại càng rối ren hơn, các chính phủ về sau không thực hiện được lời cam kết hòa hợp dân tộc. Nhiều cuộc nội chiến xảy ra do các tướng lĩnh là người các bộ tộc thiểu số bật lại chính quyền. Ở miền bắc, tàn quân Quốc Dân Đảng từ Vân Nam dạt về, khích động người Shan nổi lên đòi tự trị, ngoài ra còn kết hợp cả trồng, sản xuất và buôn bán ma túy. Trong ba thập niên liên tiếp 50 - 60 - 70, miền bắc Miến Điện thực chất không nằm trong tay chính phủ, mãi đến những năm 1980s quân đội mới dẹp yên được.
Đến năm 1988, trước thực trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội, nội chiến kéo dài, tệ nạn tham nhũng hoành hành, tinh thần tự tôn dân tộc bị tổn thương sau khi biết chính phủ cầu xin Liên hợp quốc “tha nợ” …, từ tháng 3 đến tháng 6-1988, sinh viên các trường đại học ở Yangon liên tục xuống đường biểu tình chống chính phủ liên bang. Phong trào lan rộng ra các thành phố khác như Madalay, Bago, Toongi, Mague, Molamayin, Akyab,.. Đáp trả lại, chính phủ của Thủ tướng Ne Win sử dụng biện pháp cứng rắn, huy động cảnh sát thẳng tay trấn át, bắt bớ, khiến nhiều sinh viên và cảnh sát thiệt mạng. Ngày 8-8-1988, nhân dân Thủ đô Yangon xuống đường biểu tình với quy mô lớn. Các thành phố lớn khác cũng hưởng ứng theo. Chính phủ các Thủ tướng Xein Luyn tung quân đội vào cuộc. Ngày 10 tháng 8, quân đội nổ súng vào đoàn biểu tình, máu đổ ở nhiều nơi, hàng nghìn người chết, bị thương và bị bắt giam. Ngày 12-8-1988, Thủ tướng Xein Luyn từ chức, Tướng Maung Maung lên thay, bãi bỏ thiết quân luật, rút binh lính khỏi các đường phố , nhưng phong trào biểu tình của nhân dân vẫn tiếp diễn với sự tham gia của mọi thành phần xã hội.
Tháng 4-1988, bà Aung San Suu Kyi (tên bà nghĩa là: Con gái của ông Aung San), 43 tuổi – con gái út cố thủ tướng Aung San – từ Luân Đôn trở về Miến Điện thăm mẹ ốm. Năm 1947, khi cha bị ám sát, bà mới có 2 tuổi, người mẹ ôm các con lên máy bay sang tị nạn tại Anh, khi các con trưởng thành, bà lại trở về Miến Điện. Tại Yangon, Aung San Suu Kyi trực tiếp chứng kiến “sự kiện 8888” và quyết định ở lại trong nước cùng nhân dân Miến Điện đấu tranh chống chính quyền quân sự Miến Điện. Ngày 27-8-1988, Aung San Suu Kyi tham gia thành lập “Liên minh quốc gia đấu tranh vì dân chủ” để đối thoại trực tiếp với chính quyền quân sự, đòi bầu cử tự do để thành lập một chính phủ dân chủ hợp hiến, hợp pháp. Ý tưởng này của bà được các nước phương tây khuyến khích và nhiều người cùng thế hệ với Tướng Aung San ủng hộ (cần biết rằng nhiều người dân Miến Điện vẫn luôn xem tướng Aung San như một đấng giải phóng dân tộc, và hầu hết tướng lĩnh quân đội lúc đó đều là thuộc cấp hoặc đồng liêu với cha bà khi xưa). Ngày 14-9-1988, nhân dân Yangon biểu tình lớn đòi chính phủ quân sự từ chức. Tướng Maung Maung ra lệnh cho các công chức trở về làm việc và tuyên bố khai trừ đảng tịch những đảng viên tiếp tục tham gia biểu tình.
Giữa lúc tình hình đang căng thẳng, hỗn loạn và phức tạp, ngày 18-9-1988, Bộ trưởng bộ quốc phòng – Đại tướng Saw Maung cùng các tướng lĩnh thân cận tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Đảng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa Miến Điện sau 26 năm trị vì, thành lập hội đồng khôi phục trật tự và pháp luật quốc gia (SLORC) gồm 19 thành viên, do tướng Saw Maung làm chủ tịch. Hội đồng nhà nước và quốc hội cùng các hội đồng địa phương bị giải tán. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong vòng 30 năm. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, thắng 392 trong tổng số 485 ghế, nhưng các kết quả của cuộc bầu cử đã bị SLORC huỷ bỏ ngay sau đó và họ từ chối giao lại quyền lực. SLORC đã đổi tên Miến Điện (Burma) thành Myanmar vào năm 1989. Bà Aung San Suu Kyi bị giam lỏng tại gia từ tháng 7 năm 1989 đến tận năm 2010. Suốt 20 năm bị quản thúc tại gia, bà không ngừng đấu tranh cho nền dân chủ của Myanmar, dù không được phát ngôn, xuất hiện trên truyền thông Myanmar nhưng bà vẫn có thể gặp và trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài tại tư gia. Nhờ đó, thế giới biết đến công cuộc đấu tranh của bà, bà nhận về đủ các giải thưởng của các tổ chức vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả giải Nobel Hòa Bình và Huy chương Simon Bolivar. Dù có chồng là người Anh nhưng trong suốt 20 năm bà chỉ được gặp lại chồng một lần duy nhất vào năm 1995. Năm 1999, chồng bà bị ung thư, muốn gặp lại vợ lần cuối, đã xin VISA 30 lần nhưng đều bị phía Myanmar từ chối, đổi lại, họ đề xuất bà có thể thoải mái về Anh mà thăm chồng nhưng bà thừa biết rằng chỉ cần bà rời khỏi Myanmar sẽ không có cơ hội quay lại nữa, và xem sự đau khổ khi xa cách chồng như một cái giá phải trả trong quá trình đấu tranh.
Năm 2010, các tướng lãnh muốn mở cửa đất nước đi theo Tây Phương, bắt đầu chính sách cởi mở trong nước, thân thiện với Mỹ qua cựu thượng nghị sĩ Jim Webb trước tiên. Các tướng cho tổ chức bầu quốc hội năm 2015. Cũng như lần trước, đảng của bà Suu Kyi chiếm 80% phiếu, ngay cả bà Suu Kyi cũng đắc cử dân biểu. Vì các tướng không chấp nhận cho sửa Hiến Pháp, bà Suu Kyi vẫn không thể làm tổng thống được. Bà mau mắn chỉ định một ông phụ tá của bà ra tranh cử tổng thống do quốc hội bầu. Đảng của bà chiếm gần hết quốc hội nên ông này đắc cử tổng thống dễ dàng, bổ nhiệm bà Suu Kyi làm Cố Vấn Quốc Gia -State Counsellor- kiêm Ngoại Trưởng. Thực tế bà nắm trọn quyền trong khi tổng thống chỉ là bù nhìn. Chính bà Suu Kyi cũng từng tuyên bố tổng thống phải nghe lời của bà. Tuy nhiên, quyền hạn của phe bà bị giới hạn theo Hiến Pháp Miến: Tổng thống không được đụng đến quân đội, bộ quốc phòng và bộ an ninh lãnh thổ, vẫn hoàn toàn và tuyệt đối nằm trong tay Hội Đồng Quân Lực. Ngay cả trong quốc hội, 25% số ghế được dành cho các đại diện của quân đội do Hội Đồng Quân Lực bổ nhiệm.
Truyền thông Âu Mỹ và thế giới xem việc bà Suu Kyi được tự do và tham gia vào chính quyền là một bước tiến lớn của "tự do, dân chủ". Các nhà phân tích kinh tế - tài chính thì ra sức bơm cho Myanmar như một điểm đầu tư hấp dẫn mới nổi, "mảnh đất vàng cuối cùng còn lại của Châu Á", Myanmar giàu lên nhanh như ăn cắp, các tập đoàn lớn từ Châu Âu và đặc biệt là Nhật nhanh chóng nhảy vào đầu tư ... nhưng tiếc là tuần trăng mật kéo dài không lâu. Myanmar có cải cách từng bước nhỏ các vấn đề kinh tế, giáo dục, xã hội, nhưng các tướng vẫn nắm quyền quân sự và an ninh và nhất là khối đại đoàn kết toàn dân vẫn không khá khẩm hơn, từ năm 2019 đã bùng lên sự mâu thuẫn giữa dân Miến bản địa và dân Rohingya gốc Ấn theo Hồi Giáo, chính quyền Suu Kyi bị tố là đàn áp dân Rohingya. Thế giới mang ra họp đủ loại hội nghị quốc tế về việc cứu giúp dân Rohingya, nhưng khi Miến và Bangladesh xin tiền để nuôi đám dân này thì ... éo một xứ nào cho một xu, bắt hai anh khố rách áo ôm phải tự lo. Đã thế truyền thông phương tây còn tính quay ngược thái độ, đang đòi ... thu lại cái giải Nobel của bà Suu Kyi, và mang bà ra trước tòa. Và có vẻ như giới quân đội trong nước cũng đã chán cái mùi dân chủ của bà Suu Kyi và chán luôn cả "bánh vẽ" của phương tây. Từ cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2020 "bỗng dưng" rộ lên tin đồn đã bị thao túng, và ngày 1/2/2021 vừa qua, quân đội lại "lên tiếng", tiến hành đảo chính đưa mọi thứ về lại guồng quay như cũ ... cách đây 60 năm.
TG
~.~.~ Vy Nguyễn ~.~.~
#LichSuPhuongDong