Những công cụ của sự sáng tạo
Viết bởi RobinB Creative – Nguồn: https://link.medium.com/ezapC31234
A Mind Map of Mind Mapping
PHẦN 1 – MIND MAPS®
Khả năng suy nghĩ khác biệt hoặc vượt ngoài mong đợi chắc chắn mang một vai trò quan trọng đối với sự sáng tạo. Tuy nhiên, bản thân việc suy nghĩ không phải là sự sáng tạo bất kể những suy nghĩ đó có khác biệt và tài tình đến đâu, bởi vì sự sáng tạo đòi hỏi phải tạo nên một điều gì đó mới mẻ.
Điều mà hầu hết mọi người gọi là “tư duy sáng tạo” chỉ đơn thuần là một công cụ, phương pháp và/hoặc một giai đoạn trong quá trình sáng tạo.
Như tôi đã đề cập (trans: xem thêm loạt bài Nature of Creativity – tạm dịch: Bản chất của sáng tạo của OP tại đây), sự sáng tạo có chủ đích sẽ không xảy ra nếu không có khả năng suy nghĩ khác biệt – outside the box, nhằm tạo ra các kết nối chưa được thực hiện trước đó và/hoặc nhìn mọi thứ theo cách mà người khác không làm được.
Việc nghiên cứu và thực hành sáng tạo có chủ đích đã nở rộ trong vòng bảy mươi năm qua hoặc lâu hơn. Những nghiên cứu này đã mang đến sự phát triển của một số công cụ và phương pháp tư duy. Mục tiêu của tôi trong loạt bài Những Công Cụ Của Sáng Tạo này là để khám phá những công cụ tư duy nổi tiếng và được sử dụng phổ biến nhất – bao gồm cả những điều hay bị sử dụng sai cách.
Tôi đang và/hoặc đã sử dụng tất cả các công cụ và phương pháp này qua nhiều năm, trong nhiều tình huống khác nhau, và do đó sẽ cố gắng bao gồm cả những giải thích và kinh nghiệm cá nhân.
Giống như hầu hết mọi thứ trong xã hội cạnh tranh của chúng ta, câu hỏi công cụ tư duy nào là tốt nhất thường được đưa ra tranh luận. Nhưng đó là một câu hỏi sai lầm. Câu hỏi chính xác để hỏi về các công cụ tư duy, cũng giống như những câu người ta sẽ hỏi về bất kỳ công cụ nào khác, phải là: Công cụ nào, hoặc những công cụ nào phù hợp nhất cho công việc hiện tại?
Có rất nhiều câu nói đùa về việc tự làm tất cả mọi thứ (trans: DIY hay do it yourself) và tác dụng vạn năng của một cái búa. Tuy nhiên, không có bất kỳ ai nghiêm túc mong đợi rằng một cái búa sẽ thực hiện tốt việc sửa máy tính, cắt kính hoặc siết chặt đai ốc.
Vậy thì tại sao rất nhiều người thông minh lại mong đợi có một công cụ tư duy “tốt nhất” trong mọi tình huống?
Như bạn chắc chắn đã nhận thấy từ tiêu đề phụ của bài viết, tôi sẽ bắt đầu loạt bài này với Bản đồ tư duy. Đây không phải là một quyết định ngẫu nhiên, mà là một quyết định thực tế rút ra từ kinh nghiệm của tôi.
Bản đồ tư duy là một công cụ đa năng của tư duy. Trong khi hầu hết các công cụ khác hoặc tập trung vào việc tìm kiếm ý tưởng mới, hoặc lưu lại ý tưởng bằng một cách thức hữu ích, hoặc để ghi nhớ ý tưởng thì Bản đồ tư duy thực hiện được cả ba điều trên.
Như vậy, tôi sử dụng bản đồ tư duy như một công cụ suy nghĩ độc lập và đồng thời để làm việc cùng với các công cụ tư duy khác.
Bối cảnh của Bản đồ tư duy
Việc sử dụng các cấu trúc xuyên tâm, phân nhánh để ghi chú bằng hình ảnh đã có từ nhiều thế kỷ trước. Một ví dụ còn sót lại vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, khi Porphyry sử dụng kỹ thuật này để hình dung văn bản Categories của Aristotle. Tuy nhiên, các phương pháp tương tự chắc chắn đã được sử dụng từ lâu trước đó.
Ý tưởng đằng sau việc ghi chú bằng hình ảnh xuyên tâm, phân nhánh được xây dựng như sau:
· Cấu trúc xuyên tâm, phân nhánh thể hiện rõ ràng mối quan hệ của các thông tin.
· Hình ảnh và sơ đồ thường dễ nhớ hơn từ ngữ.
· Ghi chú bằng từ khóa và/hoặc hình ảnh thường nhanh hơn và dễ thiết lập hơn là danh sách.
· Màu sắc giúp tập hợp, phân loại và nhận biết các nhóm thông tin.
· Nhận biết thông tin tổng quan tốt hơn, trong khi vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các chi tiết.
· Càng có nhiều liên kết đến những điều đã được ghi nhớ trong bộ não, thông tin càng dễ gợi nhớ.
· Gần đây, nghiên cứu về cấu trúc vật lý của não bộ đã chỉ ra rằng hình ảnh xuyên tâm, phân nhánh bắt chước cấu trúc của nơ-ron và mạng thần kinh.
Đây là những lý do chính tại sao các sơ đồ xuyên tâm, phân nhánh đã được sử dụng liên tục trong nhiều thế kỷ – để ghi chú, phân loại thông tin, brainstorming, v.v.
Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Allan M. Collins và M. Ross Quillian đã phát triển Mạng lưới ngữ nghĩa (nguyên mẫu của Bản đồ tư duy), như một lý thuyết để gia tăng sự hiểu biết trong việc học tập của con người.
Vào cuối những năm 1960 và đầu 1970, Tony Buzan đã phát triển và phổ biến bản đồ tư duy. Như bạn có thể nhìn thấy rõ tại tiêu đề phụ của bài đăng này, ông ấy cũng đã đăng ký quyền sở hữu nhãn nhiệu cho Bản đồ tư duy.
Bản đồ tư duy được xây dựng dựa trên nhiều nguyên tắc và nó cũng tương tự như các sơ đồ có cấu trúc xuyên tâm khác. Tuy nhiên, bản đồ tư duy đơn giản hơn hẳn các phương pháp trước đó. Do đó, chúng dễ sử dụng và hiệu quả hơn các phương pháp trước đây.
Dưới đây là mô tả ngắn gọn về bản đồ tư duy của Tony Buzan (phần in đậm là những điểm nhấn mạnh của tôi):
Bản đồ tư duy là một kỹ thuật hình ảnh đầy quyền lực, thứ cung cấp cho bạn một chìa khóa vạn năng để mở khóa tiềm năng của bộ não. Nó khai thác đầy đủ các kỹ năng của vỏ não – từ ngữ, hình ảnh, logic, nhịp điệu, màu sắc và nhận thức không gian – theo một cách mạnh mẽ, độc đáo và duy nhất. Bằng việc này, nó cho phép bạn tự do khám phá những khoảng không vô tận của bộ não. Bản đồ tư duy có thể được áp dụng cho mọi khía cạnh của cuộc sống nơi mà việc học tập được cải thiện và việc tư duy rõ ràng hơn sẽ giúp nâng cao hiệu suất của con người.
Làm cách nào để lập Bản đồ tư duy
Giống như hầu hết mọi thứ, khi bắt đầu thực hiện bản đồ tư duy, hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Qua thời gian, bạn chắc chắn sẽ có thể cá nhân hóa quá trình thực hiện ở một mức độ nào đó.
Vậy nên, bên dưới đây là một vài điều cơ bản về bản đồ tư duy được trình bày dưới dạng một danh sách đánh số thứ tự, rất-không-giống-với-bản-đồ-tư-duy:
(Những tôi cũng sẽ cung cấp một bản tóm tắt dưới dạng bản đồ tư duy) [Xem hình]
1. Mỗi một bản đồ tư duy bắt đầu bằng một điểm/ý tưởng trung tâm. Nó có thể là tên của quyển sách cần được tóm tắt, một chủ đề cần brainstorm, một ý tưởng cần được phát triển, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Về mặt cấu trúc, điểm trung tâm này cần đặt ở chính giữa của bản đồ.
2. Tất cả các tiêu đề phụ/ danh mục/ chương/ ý tưởng cần phải được phân nhánh rõ ràng – bắt đầu từ điểm trung tâm rồi tỏa dần ra. Chúng còn được gọi là “ nhánh con” hoặc “nhánh anh em”. Vì vậy, để phác thảo một cuốn sách, các chương sẽ tỏa ra từ tiêu đề quyển sách. Các ý tưởng hoặc tình tiết chính của chương sẽ phân nhánh từ chương đó, và tương tự như vậy.
3. Các nhóm khác nhau cần được thể hiện khác nhau. Ở cấp độ cơ bản nhất, có thể phân chia các nhóm bởi độ dày và màu sắc của mỗi nhánh. Nói cách khác, các nhánh anh em sẽ có cùng màu, trong khi các nhánh con có màu sắc khác với nhánh cha của chúng. Ví dụ: các chương được thể hiện bằng màu đỏ, các ý chính có màu xanh lam, các phần nhỏ hơn sau đó là màu xanh lá cây, màu cam, v.v. Ngoài ra, độ dày của các nhánh phải giảm dần khi chúng tiến xa khỏi nút trung tâm. Bằng cách này, các nhóm có cùng cấp độ rất dễ dàng để nhận biết.
4. Thông tin được thể hiện bằng những từ khóa riêng lẻ với phần bổ nghĩa cũng là từ đơn và/hoặc hình ảnh. Đầu tiên, bộ não ghi nhớ hình ảnh dễ dàng nhiều so với từ ngữ. Thứ hai, khi cần thiết ghi nhớ từ ngữ, chỉ một từ khóa đơn cũng đủ để gợi nhớ lại thông tin.
5. Thông tin của các nhánh có thể liên kết với nhau bằng dấu mũi tên hoặc nhóm lại bằng hình ảnh đám mây. Điều này khiến cho các thông tin liên quan đến nhau được thể hiện rất rõ ràng.
Chìa khóa cho bản đồ tư duy là sự đơn giản. Cho dù một người đang cần ghi nhớ thông tin, hoặc brainstorm những ý tưởng mới thì mục tiêu là phải nhanh chóng và đơn giản, ghi lại thông tin theo định dạng dễ nhớ và hỗ trợ quá trình suy nghĩ.
Hình ảnh bản đồ tư duy ở đầu bài này [xem hình 1] là một ví dụ tuyệt vời. Ngay cả khi bạn chưa bao giờ sử dụng bản đồ tư duy trước đây, phần lớn thông tin trên bản đồ tư duy đó sẽ khá rõ ràng với bạn.
Mặc dù ban đầu bạn có thể sẽ thấy hơi khó khăn khi phá vỡ thói quen ghi chú tuyến tính, nhưng sự cố gắng chắc chắn sẽ mang lại giá trị và mọi thứ sẽ dần trở nên tốt hơn.
Tính đến thời điểm này, tôi đã sử dụng bản đồ tư duy hơn 20 năm.
1. Tôi sử dụng bản đồ tư duy để phác thảo văn bản, bài phát biểu, chương trình đào tạo và ý tưởng của mình. Tôi sắp bắt đầu lập bản đồ tư duy cho một cuốn tiểu thuyết, đó là điều mà tôi chưa bao giờ làm trước đây. (Tôi chưa bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết cũng như chưa bao giờ lập bản đồ tư duy để phác thảo một câu chuyện có độ dài bằng một cuốn tiểu thuyết cả). Thậm chí ngay cả trước khi tôi bắt đầu, tôi có thể thấy những lợi thế của việc lập bản đồ tư duy, không chỉ riêng việc thể hiện các nhân vật riêng lẻ, mà còn có cả các tương tác của họ và những tình tiết khác nhau.
2. Tôi sử dụng bản đồ tư duy để ghi lại các buổi brainstorming của nhóm và tôi sử dụng chúng như một công cụ tư duy để nghĩ ra những ý tưởng mới khi làm việc một mình.
3. Tôi cũng sử dụng bản đồ tư duy để ghi chú bài giảng, để phác thảo những cuốn sách mà tôi đã đọc và muốn nghiên cứu thêm.
Khi tôi mới bắt đầu sử dụng bản đồ tư duy, tôi gần như thực hiện hoàn toàn trên giấy. Làm việc thủ công trên giấy là cách mà Tony Buzan đã thực hiện bản đồ tư duy vào thời điểm ban đầu. Mặc dù các chương trình lập bản đồ tư duy trên máy tính đã xuất hiện được một vài năm, nhưng chúng vẫn còn một số hạn chế so với cách làm thủ công. iMindMap là phần mềm lập bản đồ tư duy của Tony Buzan, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2006.
Cần phải nói rằng, hầu hết các bản đồ tư duy của tôi ở thời điểm hiện tại được thực hiện bằng kỹ thuật số, trên máy vi tính hoặc máy tính bảng. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng lập sơ đồ tư duy theo cách thủ công mọi lúc mọi nơi. Tôi nhận ra rằng việc tạo nên các bản đồ tư duy là một sự pha trộn tuyệt vời giữa trí tuệ và nghệ thuật, nó thực sự khiến tôi thỏa mãn một cách đầy sáng tạo.
Có một số phần mềm tốt, miễn phí và thậm chí các trang web trực tuyến để tạo nên bản đồ tư duy kỹ thuật số. Tôi sẽ liệt kê một vài phần mềm ở cuối bài, cùng với một số trang web thông tin và nguồn cung cấp công cụ lập bản đồ tư duy khác.
Ý tưởng về bản đồ tư duy, và về việc thay đổi nguyên tắc làm việc của bạn trông có vẻ khó khăn vào ban đầu. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là bạn sẽ nhận thấy những nỗ lực bỏ ra không cần quá lớn nhưng kết quả đem lại rất đáng giá.
Sau khi bạn sử dụng bản đồ tư duy một thời gian, bạn sẽ thấy rằng cách bạn tư duy bắt đầu thay đổi, trở nên ít tuyến tính hơn và ít bị giới hạn hơn.
…
Resource:
Website:
Phần mềm:
Freeplane – mã nguồn mở, miễn phí, chạy trên Windows, Mac hoặc Linux. Đây là phần mềm tôi sử dụng cho PC, chạy trên Linux
View Your Mind (VYM) – miễn phí, mã nguồn mở, chạy trên Windows, Mac hoặc Linux. Phần mềm tốt, nhưng không phù hợp với phong cách làm việc cá nhân của tôi như Freeplane, hoặc Freemind.
Freemind – mã nguồn mở, miễn phí, chạy trên Windows, Mac hoặc Linux. Đã từng là lựa chọn đầu tiên của tôi, nhưng phiên bản Linux không còn được hỗ trợ nữa.
XMind – miễn phí, mã nguồn mở chạy trên Window, Mac hoặc Linux. Phải thừa nhận rằng tôi chưa thử cái này. Tôi chỉ vừa mới phát hiện ra nó một lúc trước. (Tự nhận là “Phần mềm tư duy và brainstorming phổ biến nhất”)
https://www.mindjet.com/– miễn phí, cloud-linked, Android. Đây là ứng dụng tôi dùng cho máy tính bảng. Nó cũng có phiên bản Window & Mac, miễn phí.
SmartDraw – có phí. Tôi chưa bao giờ từng thử qua nó.
https://imindmap.com/ – Phần mềm bản đồ tư duy của Tony Buzan. Tôi chưa bao giờ dùng thử nó, nhưng đoán rằng nó sẽ tốt, vì dù sao thì nó cũng xuất phát từ “nhà phát minh” của bản đồ tư duy.
Phần mềm trực tuyến:
GoConqr – Miễn phí. Tôi chưa thử qua.
http://drichard.org/mindmaps/ – Miễn phí. Tôi chưa thử qua.
============================
DG – Kim An Phan