REVIEW CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Cre: Đào Việt Bách - BackstoryĐợt này mình nhận được khá nhiều lời đề nghị nhờ tư vấn chọn trường, xếp nguyện vọng học các ngành IT đến từ các phụ huynh cũng như các em 2k4.
???? Hôm nay lứa 2k4 đã có kết quả thi THPT và sẽ chính thức đăng ký nguyện vọng chọn trường đại học trên cổng hệ thống quốc gia của Bộ GDĐT. Đây có lẽ sẽ là một trong những lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời của các bạn học sinh, quyết định môi trường học tập 4-5 năm tới và có lẽ là cả sự nghiệp sau này. Việc tìm hiểu thông tin, so sánh, cân nhắc giữa các trường để lựa chọn ngôi trường phù hợp với mình trong tương lai sẽ vô cùng quan trọng.
???? Thực ra để đánh giá và xếp hạng một trường đại học thì có rất nhiều tiêu chí và nhiều tổ chức uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới đã xếp hạng. Ở bài viết này, mình xin đánh giá và đưa ra một số review dựa trên quan điểm cá nhân cũng như những trải nghiệm của bản thân trong quá trình tuyển dụng, làm việc hợp tác cùng các trường trong 6 năm qua. Hy vọng sẽ giúp các bạn học sinh và các vị phụ huynh có thêm thông tin tham khảo.
???? Thứ tự các trường được liệt kê trong review này mang tính chất tương đối, không phải chính xác 100% về mặt xếp hạng của các trường. Một số nội dung nếu chưa cập nhật chính xác rất mong các anh chị em, các thầy cô và các bạn sinh viên có thể hỗ trợ thông tin bổ sung giúp mình đính chính thêm.
➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖
Với bài viết này, mình sẽ đánh giá trên một số tiêu chí:
(1) Uy tín, danh tiếng của trường;
(2) Chương trình đào tạo;
(3) Đội ngũ Giảng viên;
(4) Cơ sở vật chất;
(5) Học phí
(6) Điểm đầu vào
(7) Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp
( 8 ) Các yếu tố khác
Tùy theo từng trường, mình có thể sẽ chỉ review trên các yếu tố mà mình có thông tin.
Và trong phạm vi hiểu biết của mình, mình chỉ xin đi tập trung review các trường ở khu vực Hà Nội / Miền Bắc thôi nha.
OK, Let’s Go!!!!????????????
➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖
1. Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội (SoICT – HUST)
(1) Uy tín, danh tiếng của trường: A+Nhắc đến IT hay các ngành kỹ thuật nói chung, có lẽ không ai có thể phủ định vị trí cánh chim đầu đàn thuộc về ĐH BKHN. Với hơn 67 năm đào tạo của BKHN và 27 năm lịch sử từ Khoa – Viện – Trường của ngành CNTT, SoICT trở thành cái nôi của rất nhiều cựu sinh viên tài năng, hiện đang thành công trên khắp toàn cầu như: Nguyễn Hà Đông (FlappyBird), Nguyễn Tử Quảng (BKAV); Hoàng Nam Tiến, Hoàng Việt Anh, Dương Dũng Triều (FPT); Lữ Thành Long (Misa); Vương Quang Khải (VNG)…
(2) Chương trình đào tạo: A
Chương trình đạo tạo của ĐH Bách Khoa khá đa dạng, các bạn sinh viên có thể lựa chọn các nhánh: Khoa học Máy tính (IT1) – với 2 định hướng phân nhánh ở năm cuối: Công nghệ phần mềm, và Hệ thống thông tin; Kỹ thuật Máy tính (IT2) với các nhánh: An toàn thông tin, Hệ nhúng và IoT; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Ngoài ra, các chương trình Elitech – Đào tạo tinh hoa - theo các định hướng như CNTT Việt Nhật (HEDSPI); Global ICT; CNTT Việt Pháp (PFIEV) hay các hướng Elitech đi vào các chuyên ngành hẹp “Hot trends” của CMCN 4.0 như Khoa học dữ liệu & Trí tuệ nhân tạo (DS – AI) và An toàn không gian số (Cyber Security) đều vô cùng hấp dẫn. Nhìn chung các chương trình đều được xây dựng rất chuẩn mực, theo các chuẩn quốc tế, có tính thực hành và ứng dụng cao. Hiện các chương trình Elitech chiếm gần 60% tổng số lượng đào tạo của SoICT.
Điểm cộng nữa là hiện tại SV Bách khoa có thể lựa chọn học 4 năm để lấy bằng cử nhân hoặc 5 năm lấy bằng kỹ sư hoặc 4+1.5 để lấy bằng Thạc sỹ. Khá là tiện và flexible cho sinh viên.
Điểm “trừ” duy nhất về chương trình của Bách Khoa có lẽ là khá NẶNG. Bạn sẽ phải vật lộn 1-1.5 năm đầu cùng các môn đại cương, với 3 các môn toán cao cấp (Đại số, Giải tích I, II, III), rồi Vật lý (I, II), các môn lý luận chính trị… nhìn chung đều nặng và khó hơn nhiều so với các trường kỹ thuật khác. Nhưng có lẽ chính sự “hard core” ở đại cương này sẽ là môi trường để trui rèn và tạo ra các kỹ sư có chất “lỳ”, “chì” và bền bỉ trước mọi khó khăn.
(3) Đội ngũ Giảng viên: A+
Theo số liệu thống kê thì CNTT- ĐH BKHN là trường có số lượng cán bộ giảng viên IT đông nhất và cũng rất chất lượng: 136 giảng viên, 83% có học vị tiến sỹ trở lên, 28% là PGS. Và đặc biệt có 25% là giảng viên nước ngoài. Các thầy cô ở Bách Khoa hầu hết tốt nghiệp TS ở các trường tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản… Các thầy cô trẻ, tận tâm, sáng tạo và rất minh bạch, công bằng trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Không có chuyện bạn phải “chạy tiền” hay “đi tiền thầy cô” khi học ở Bách Khoa.
(4) Cơ sở vật chất: A – Tốt. Đặc biệt khoảng 1 năm gần đây, Viện (nay là trường) tự chủ, kêu gọi xã hội hóa đầu tư rất mạnh và cơ sở vật chất: Xây dựng các giảng đường hiện đại, các phòng Labs nghiên cứu về AI, Edutech, Cybersecurity… được tài trợ bởi các doanh nghiệp.
(5) Học phí: B- (Trung bình). Do quá trình tự chủ, một vài năm gần đây học phí của sinh viên Bách Khoa tăng lên khá nhiều. Chưa kể tính theo 2 nhóm tín chỉ học phần - tín chỉ học phí (nhân hệ số với các môn thực hành) … Hồi mình học thì 1 tín chỉ học phí chỉ tầm 100k, hiện tại thì rơi vào khoảng 400-500k, các ngành Elitech/ chất lượng cao thì học phí còn cao hơn. Nếu học hệ chuẩn thì học phí rơi vào tầm 24-34M/năm. Hệ Elitech học phí 35-44M/năm, riêng ngành Khoa học Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là ~60M/năm.
(6) Điểm đầu vào: A+ (Rất cao), điểm trúng tuyển IT1 năm 2021 là 28.43 điểm. và thấp nhất là ITEP (Việt Pháp) 27.19 điểm. Tuy nhiên sinh viên có thể lựa chọn nhiều hình thức khác như xét tuyển tài năng, thi đánh giá tư duy…
(7) Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp: A+ (Rất tốt). Hiện trường có Mạng lưới hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp, cùng uy tín đào tạo rất lớn. 88% sinh viên năm cuối của SoICT đã có việc làm ngay từ khi chưa tốt nghiệp, ngoài 1 số SV có định hướng học tiếp lên cao hoặc đi du học, startup thì hầu hết sinh viên SoCIT đều được các doanh nghiệp sẵn sàng săn đón và tuyển dụng.
(8.) Các yếu tố khác & Hoạt động xã hội (CLB, Đoàn thể): B+ (khá tốt)
– Nhìn chung có nhiều CLB về chuyên môn, sở thích, nhiều cuộc thi học thuật… Tuy nhiên, nhìn chung các hoạt động của SV Bách Khoa vẫn có chút gì đó hơi “thô cứng”, chưa có nhiều sáng tạo đặc biệt.
➡️ Đánh giá chung : 9.75/10
➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖
2. Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc Gia Hà Nội (UET-VNU)
(1) Uy tín, danh tiếng của trường: A+ (Rất tốt). Là trường Đại học lâu đời, từ truyền thống của Đại học Tổng hợp đến Đại học Quốc Gia ngày nay, UET thừa hưởng và xây dựng danh tiếng vững chắc trong hệ thống các trường đại học không chỉ Việt Nam mà cả trong khu vực. Rất nhiều cựu sinh viên của UET hiện đang giữ các chức vụ lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn cũng như tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới.(2) Chương trình đào tạo: A (Tốt). Chương trình đào tạo của UET được chia thành các ngành gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Các hệ thống thông tin và Truyền thông và Mạng máy tính. Các chương trình đều được kiểm định và xây dựng theo các chuẩn quốc tế hiện đại, nền tảng kiến thức hàn lâm (academic) vững chắc và được bổ trợ thêm nhiều hoạt động thực hành nâng cao, kết hợp các đồ án thực tế ứng dụng. Đặc biệt Chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính (CN8) với tối thiểu 50% môn học chuyên môn được giảng dạy bằng Tiếng Anh, giúp sinh viên tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu kỹ năng Global Software Engineer của nhiều doanh nghiệp toàn cầu.
(3) Đội ngũ Giảng viên: A+ (Rất tốt). Với hơn 100 cán bộ giảng viên, 50%++ có trình độ TS, được đào tạo bài bản tại các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín từ các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… UET cũng là trường có rất nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới, giúp sinh viên có các cơ hội được học tập với các Giáo sư đầu ngành hoặc có các cơ hội kết nối trao đổi du học.
(4) Cơ sở vật chất: B (trung bình), Trường có một số hệ thống phòng Labs khá hiện đại, tuy nhiên khuôn viên của trường khá chật hẹp do nằm trong khuôn viên chung của Đại học Quốc gia HN, hiện không còn nhiều không gian phát triển mở rộng thêm. Dự kiến trong 1 vài năm tới, khi ĐHQGHN chuyển về Hòa Lạc thì hy vọng cơ sở vật chất của UET sẽ cải thiện hơn.
(5) Học phí: B (Mức trung bình). Học phí đối với hệ chuẩn năm 2022-2023 là 26M/năm. Hệ chất lượng cao là 35M/năm. Nhìn chung mức này so với các trường công lập khác thì khá cao, tuy nhiên UET cũng có khá nhiều chính sách hỗ trợ học bổng (của các trường, doanh nghiệp…) do đó cũng hỗ trợ được khá nhiều.
(6) Điểm đầu vào: A+ (Rất cao), năm 2021, điểm trúng tuyển ngành CNTT (CN1) của UET cao nhất trong các trường (28.75), CNT CLC (CN8) 27.9. Ngoài ra trường áp dụng xét tuyển theo các phương thức khác khá đa dạng như: Điểm chứng chỉ SAT, ACT, A-LEVEL và kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc Gia (HSA)… Nhìn chung điểm chuẩn các năm của UET đều nằm trong Top cao nhất của thị trường CNTT. Nếu muốn vào UET, thì xét tuyển theo ĐGNL có lẽ sẽ thuận lợi và có nhiều cơ hội hơn, vì sẽ có nhiều đợt thi rải rác trong năm.
(7) Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp: A+ (Rất cao). Theo khảo sát công bố tại đề án tuyển sinh thì 100% sinh viên IT UET khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Mạng lưới doanh nghiệp hợp tác với khoa và nhà trường cũng hùng hậu đông đảo vô cùng. Ngoài ra, có tỷ lệ rất lớn sinh viên UET lựa chọn định hướng học lên tiếp các bậc học cao hơn, cũng như tiêp tục du học tại nước ngoài.
(8.) Hoạt động xã hội (CLB, Đoàn thể): A (Tốt) - Sinh viên UET có nhiều CLB và các chương trình, cuộc thi, sân chơi. Nhìn chung môi trường khá năng động và cởi mở.
➡️ Đánh giá chung : 9.5/10
➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖
3. Đại học FPT (FPTU)
(1) Uy tín, danh tiếng của trường: A-(Tốt) – Được thành lập năm 2006, ĐH FPT với vị thế là thành viên của tập đoàn FPT, là một trong những trường Tư thục đầu tiên và thành công nhất hiện nay. Với lợi thế là thành viên của tập đoàn công nghệ hàng đầu VN – FPT, đại học FPT đã phát triển lớn mạnh không ngừng và ngày càng chứng minh vị thế năng lực. Rất nhiều cựu sinh viên khóa 1,2 của FPTU hiện đang là những tỷ phú đô la, lãnh đạo doanh nghiệp lớn và chủ các startup đình đám…(2) Chương trình đào tạo: A+ (Rất tốt)- Chương trình đào tạo hiện đại, có tính ứng dụng và thực tiễn cao, gắn liền với yêu cầu công việc. Chương trình CNTT được phân chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (thời gian rèn luyện tập trung + thời gian học tiếng Anh dự bị phụ thuộc trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên), giai đoạn căn bản (5 học kỳ), giai đoạn học tập thực tế tại doanh nghiệp (OJT, 1 học kỳ) và giai đoạn hoàn thành tốt nghiệp (3 học kỳ cuối). Sử dụng các học liệu chuẩn quốc tế, tuân thủ theo các chuẩn như QS, AUN, CDIO… Đặc biệt thú vị với sinh viên FU là chương trình được thiết kế linh hoạt, chú trọng đào tạo bằng tiếng anh, phương pháp đào tạo hiện đại như Hybrid Learning (kết hợp online – offline), học kiến tạo… Mình còn thích chương trình của FPTU bới có nhiều môn kỹ năng vô cùng hấp dẫn như: Vovinam, nhạc cụ dân tộc… Các môn đại cương, chính trị được dạy ở mức vừa phải, đủ dùng và không bị quá nặng nề, dồn vào kỳ cuối –Kỳ 9 (khác với các trường khác dạy ngay từ năm nhất). Trường tạo điều kiện để sinh viên học Online các môn này, chủ động thời gian, miễn điểm danh nếu đã có việc làm hợp đồng lao động.
Sinh viên được lựa chọn nhiều chuyên ngành như kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin… cũng như các combo chuyên ngành hẹp đa dạng sát với công việc thực tế như: AI (Trí tuệ nhân tạo); C#/.Net; React/NodeJS, Kỹ sư cầu nối Hàn Quốc, Nhật Bản…
(3) Đội ngũ Giảng viên: A- (Tốt). Giảng viên rất tận tâm, quan tâm sinh viên, đa số các thầy cô là các tiến sỹ, giáo sư, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên về số lượng giảng viên cơ hữu so với quy mô đào tạo thì hiện chưa thực sự tương xứng. Hiện nhiều giảng viên FPT Uni là giảng viên thỉnh giảng. Hiện FPT Uni đang tích cực tuyển chọn và thu hút các tiến sỹ, giảng viên ở trong và ngoài nước về tham gia giảng dạy.
(4) Cơ sở vật chất: A++: Nhìn chung rất tốt, là một trong những trường có cơ sở vật chất, hệ thống phòng học, giảng đường, phòng labs hiện đại nhất VN. Cảnh quan trường, ký túc xá sạch đẹp, hiện đại…Tuy nhiên địa điểm trường đặt tại Hòa Lạc, hơi xa so với trung tâm Hà Nội nên sẽ ít cơ hội “ăn chơi, giao lưu” cùng các trường khác.
(5) Học phí: B- (Trung bình). Là trường tư thục, học phí của FPT Uni khoảng 27-28M/kỳ, một năm sẽ học 3 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng. Tổng cộng học phí ~ 90M/năm. Tuy nhiên SV FU có rất nhiều cơ hội để nhận học bổng ngay từ đầu vào với nhiều mức: 50-70-100%... học phí. Do đó nếu bạn nào gia đình không có quá nhiều điều kiện kinh tế thì có thể đặt mục tiêu tham gia kỳ thi học bổng của ĐH FPT.
(6) Điểm đầu vào: B (trung bình). Mức độ cạnh tranh đầu vào của ĐH FPT không quá cao, học sinh có thể tham gia xét tuyển học bạ (top40%) + kỳ thi tuyển sinh xét học bổng hoặc dựa vào kỳ thi THPT quốc gia (năm 2021 là 23.5 điểm) …
(7) Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp: A (Cao). Theo thống kê thì 98% sinh viên FU có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Thực tế thì rất nhiều sinh viên FPT Uni đã làm việc chính thức tại công ty mình ngay từ bắt đầu sang năm 3 (kỳ 6). Các nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng thực hành ứng dụng + ngoại ngữ của sinh viên FU tốt hơn nhiều so với các sinh viên các trường khác, do đó hiện SV FPT Uni được rất nhiều công ty săn đón. Mặt bằng chung có tốt nhất trong các trường đại học, 19% sinh viên FU có việc làm tại nước ngoài.
(8.) Hoạt động xã hội (CLB, Đoàn thể): A++++ (Rất rất rất tốt). Thực sự mình mê mệt và ngưỡng mộ sinh viên FU vì có quá nhiều các CLB, hoạt động văn hóa đoàn thể vô cùng thú vị được các phòng ban tổ chức cho. Các CLB sinh viên cũng rất đa dạng. Có lẽ đó là lý do giúp cho sinh viên FPT Uni có kỹ năng mềm khá tốt và nhiều điều kiện, môi trường để phát huy tài lẻ, đam mê, sở thích của bản thân.
➡️ Đánh giá chung : 9/10
➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖➖
4. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT)
(1) Uy tín, danh tiếng của trường: A (Tốt) Mang danh tiếng từ trường “Bưu điện”, với 25 năm phát triển, PTIT đã và đang thể hiện vị thế của mình trong mạng lưới các trường đào tạo ngành ICT. Trước 2014 thì PTIT thành thành viên thuộc VNPT, nhưng sau đó chuyển về trực thuộc Bộ TTTT, định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu, ứng dụng trung tâm của ngành thông tin – truyền thông tại Việt Nam.(2) Chương trình đào tạo: A (Tốt), sinh viên PTIT học 4.5 năm lấy bằng kỹ sư. Ngành Công nghệ thông tin (gồm có 4 chuyên ngành Máy tính và truyền thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin). Từ năm 2022, thì ngành An toàn thông tin tách riêng thành 01 khoa độc lập. Nhìn chung các chương trình của đào tạo của PTIT có tính truyền thống cao, bài bản, mức độ thực hành ứng dụng ở mức khá tốt. Tuy nhiên một số bài thi các môn chuyên ngành đang là hình thức thi lý thuyết trên giấy theo mình sẽ chưa đủ “mạnh” để sinh viên thực hành và đánh giá đúng năng lực. Một vài năm gần đây, chương trình đào tạo được cập nhật thêm nhiều nội dung mới, các hệ thống thi code, submit bài tập được xây dựng và ngày càng hoàn thiện hơn.
(3) Đội ngũ Giảng viên: A (Tốt). Là học viện nghiên cứu đầu ngành nên PTIT sở hữu đội ngũ giảng viên tốt với nhiều GS, PGS, TS… tốt nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên có một điểm trừ nhỏ là số lượng giảng viên cơ hữu của học viện cũng đang ở mức khá thấp so với tổng số lượng sinh viên đào tạo (hiện chỉ khoảng 40 giảng viên). Bù lại, thì các thầy cô ở PTIT rất gần gũi, thân thiện và tận tâm với sinh viên. Hiếm có ở đâu mà các thầy cô bận bịu nhưng vẫn quan tâm sinh viên đến thế.
(4) Cơ sở vật chất: A (Tốt). Học viện sở hữu khu tòa nhà hiện đại. Có các phòng Labs nghiên cứu được đầu tư với các doanh nghiệp như Samsung, Naver, FPT, Viettel…
(5) Học phí: B- (Trung bình). Học phí dự kiến cho khóa 2022 sẽ là 23.9M, hệ chất lượng cao là 35M/năm. Mức học phí này tương đương với các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghệ.
(6) Điểm đầu vào: A (Cạnh tranh) Năm 2021, điểm đầu vào của IT PTIT là 26.9 với CNTT và 26.55 với ngành An toàn thông tin. Mức điểm này khá cao so với mặt bằng chung, nằm trong Top các trường có điểm chuẩn cao nhất. Tỷ trọng xét tuyển trên các phương thức khác không nhiều như HUST và UET.
(7) Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp: A+ (Rất tốt): Hiện tại PTIT được xếp hạng trong Top các trường có chất lượng đào tạo tốt nhất ngành ICT. Sinh viên PTIT có lợi thế chương trình thực tập doanh nghiệp và đồ án tốt nghiệp tương đối liền mạch nên dễ dàng trở thành nhân viên chính thức tại các doanh nghiệp ngay từ khi tham gia kỳ thực tập năm 4.
(8.) Các yếu tố khác, Hoạt động xã hội (CLB, Đoàn thể): B+ (Khá tốt) trường có 2 CLB về CNTT và 1 số các CLB về sở thích, truyền thông khác. Nhìn chung các hoạt động ngoại khóa tương đối đa dạng, tuy nhiên do không thuộc khối sinh hoạt Đoàn - Hội cùng các trường đại học khác nên ít hoạt động giao lưu.
➡️ Đánh giá chung: 9/10
Tobe continued....
⚠️ Disclaimer: Toàn bộ các nội dung review tại đây là đánh giá trên quan điểm cá nhân của mình trong quá trình tuyển dụng sinh viên và làm việc hợp tác cùng với các trường, không phải ý kiến đại diện cho bất kỳ công ty hay tổ chức nào. Bài viết mang tính tham khảo, các bạn học sinh nên tìm hiểu thêm thông tin trên website và các kênh tuyển sinh chính thống của nhà trường. Một số nội dung nếu chưa cập nhật chính xác rất mong các anh chị em có thể hỗ trợ thông tin bổ sung giúp mình đính chính thêm.
???? Nếu bạn còn muốn mình Review thêm trường nào thì hãy comment xuống bên dưới bài viết trên page nhé!
#BackStory #Review #IT_University
#J2team_share
Xem thêm https://www.facebook.com/groups/j2team.community/permalink/1893147137684064/